Cần đưa thám tử tư vào vòng pháp luật
Công an, nhà báo, luật sư theo dõi, chụp ảnh để chống lại tiêu cực đều là vi phạm quyền bí mật đời tư ư ?
Thám tử tư là ngành nghề xã hội cần vì giúp người ta tìm kiếm, thu thập thông tin, tài liệu có thật là cơ sơ giải quyết vụ việc, vụ án đã tồn tại nhiều năm và chưa thấy có tai tiếng gì. Do vậy nếu cấm thì nó vẫn tồn tại và phát triển nhưng … Ngoài vòng pháp luật.
Ghi âm thầy giáo tống tình có vi phạm pháp luật?
Có nhiều ca tư vấn pháp luật, vụ án tôi biết thân chủ đã tìm đến thám tử tư. Nhờ vậy, họ có những thông tin, tư liệu xác thực, đắt giá cho luật sư, soi rọi dưới lăng kính pháp luật để chuyển hóa thành nguồn chứng cứ. Từ đó mới có cơ sở cho việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ trước đối tác, trước cơ quan chức năng, tòa án.
Nếu chỉ dựa vào lập luận “ do hoạt động này vi phạm quyền bí mật đời tư, quyền đối với hình ảnh của cá nhân công dân, gây thiệt hại cho người khác nên phải cấm” thì e rằng không ổn và chưa đúng với các quy định của Hiến pháp và Bộ luật dân sự về quyền nhân thân của công dân. Bởi lẽ nếu cũng với lập luận này, thì việc bí mật theo dõi, quay phim, chụp ảnh… ai đó mà công an, nhà báo, luật sư thường làm để đấu tranh chống tiêu cực rồi cung cấp cho cơ quan chức năng đều vi phạm quyền bí mật đời tư ? Và như thế, các vụ việc như người dân bí mật quay phim cảnh Viện phó Viện kiểm sát nhân dân Cần Thơ đi bia ôm, sinh viên VA bí mật ghi âm vụ “ tống tình” của thầy giáo Đỗ Ngọc Đông đều là không đúng pháp luật? Trong khi trên thực tế, các cơ quan chức năng dựa vào chứng cứ này để xử lý những đối tượng liên quan.
Điều 38, Bộ luật Dân sự quy định việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời sống cá nhân phải được sự đồng ý của người đó, trừ phi việc thu thập, công bố đó theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. việc sử dụng hình ảnh cá nhân cũng được quy định tại Điều 31 Bộ luật Dân sự. Ở đây, nếu việc thu thập, công bố chứng cứ, của thám tử tư trong khuôn khổ của pháp luật trên cơ sở cho phép thành lập, hoạt động của tổ chức thám tử tư từ cơ quan chức năng thì đâu có vi phạm quyền bí mật đời tư, quyền sử dụng hình ảnh và quyền nhân thân nào đó của người khác. Cũng giống như công an, nhà báo, thẩm phán, luật sư, họ cũng thu thập, công bố thông tin về đối tượng trong các vụ tham nhũng, tội phạm nhằm bảo về quyền lợi hợp pháp của nhà nước, cá nhân, tổ chức nào đó trong việc đưa tin, viết bài, tư vấn pháp luật, tranh tụng nhưng không bị xem là vi phạm quyền bí mật đời tư vì văn bản pháp luật cho phép.
Luật hóa để quản lý
Thám tử tư cũng vậy, nếu cơ quan chức năng thừa nhận sự tồn tại khách quan của nghề này, cho phép hoạt động trong khuôn khổ thì sẽ không vi phạm quyền bí mật đời tư, gây thiệt hại cho ai cả. Vấn đề là nhà nước có muốn đưa thám tử tư vào vòng pháp luật để quản lý và định hướng phát triển hay không.
Theo tôi, luật hóa thám tử tư là cần thiết vì nó giúp nhà nước quản lí được hoạt động này. Đó cũng là một biện pháp xã hội hóa trong lĩnh vực kinh tế, dân sự mà nhà nước không thể nào ôm xuể. Đây cũng là cách đẩy mạnh chất lượng của hoạt động bổ trợ tư pháp ( giúp cho cơ quan tư pháp có điều kiên thuận lợi trong việc xác định, thu thập nguồn chứng cứ, đánh giá chứng cứ trong việc giải quyết các vụ án, vụ việc phi hình sự ). Bởi trong khi lực lượng công an, an ninh còn thiếu, chưa theo dõi, vén lên hết được những bí mật tội phạm để phá án thì làm sao vươn qua lĩnh vực phi hình sự. Còn luật sư, dù có quyền đi thu thập tài liệu để lấy đó làm cơ sở cho hoạt động tranh tụng, tư vấn pháp luật thì cũng chỉ là người định hướng thu thập chứ khó thể trực tiếp thực hiện vì không có thời gian và không có nghiệp vụ thám tử. Điều này cũng giống như bên cơ quan công an chia làm hai bộ phận: trinh sát và điều tra viên vậy.
Thiết nghĩ, cấm hoạt động thám tử tư thì quá dễ, ai ra lệnh cấm cũng được. Còn đưa nó vào vòng pháp luật, định hướng cho nó phát triển sao cho vừa theo ý muốn của nhà nước, vừa đáp ứng nhu cầu cảu xã hội mới là điều đáng nói, mới thể hiện nhà quản lý có biết cách làm cho nhà nước và pháp luật thở cùng hơi thở với cuộc sống hay không.