Theo ông Đỗ Ngọc Anh – Giám Đốc Văn phòng thám tử VDT cho biết : khá nhiều Công ty thám tử “chui” không có phép, không bị quản lý nhưng vẫn hoạt động và hoạt động kiểu “ngoài luồng” đã ảnh hưởng đến những doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, làm ăn chân chính trong lĩnh vực cung cấp thông tin, dịch vụ thám tử.
Muốn giải tỏa nghi ngờ vì sao vợ/chồng gần đây có những biểu hiện lạ, tìm người thân không may thất lạc, tìm hiểu kỹ hơn “nửa kia” trước khi tiến tới hôn nhân, liệu đối tác có đáng tin tưởng để hợp tác làm ăn hay không, tìm hiểu tài sản của con nợ để dễ đòi … là hàng trăm nhu cầu tìm hiểu thông tin khác nhau mà người muốn biết khó tự mình làm được, cũng chẳng có CQCA hay cấp chính quyền nào có thể “giúp”. Bởi thế, dịch vụ cung cấp thông tin – mà để có thông tin thì phải tìm hiểu, “điều tra” và dịch vụ thám tử tư ra đời, như một qui luật tất yếu là có cầu ắt có cung.
Ông Đỗ Ngọc Anh, Giám đốc Công ty TNHH Cung cấp Thông tin Việt Nam ( một trong hai văn phòng thám tử tư ở Việt nam được cấp phép liên quan đến hoạt động “thám tử”) cho biết, nhu cầu cung cấp thông tin vài năm gần đây tăng rất nhanh và cũng rất đa dạng, nhất là ở các thành phố lớn. Dù không được cấp phép, nhưng rất nhiều doanh nghiệp, và cả các cá nhân đã tự lập website giới thiệu dịch vụ thám tử và hoạt động, đứng ngoài sự quản lý của Nhà nước. Ông Long cho hay, trong TP HCM, khá nhiều “ thám tử” chuyên tiếp khách hàng ở quán café, không có hợp đồng mà chỉ thỏa thuận miệng.
“Công ty chúng tôi được cấp phép dịch vụ cung cấp thông tin và người dân gọi chúng tôi là thám tử tư ( thám tử VDT ). Tất nhiên, muốn có thông tin để cung cấp thì chúng tôi phải tìm hiểu, “điều tra” theo yêu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, là luật sư, tôi hiểu rõ những giới hạn cung cấp thông tin được phép để định ra một “hành lang” cho doanh nghiệp của mình khi hoạt động không vi phạm các điều cấm và tôi cũng khuyến khích các “ thám tử” trong Công ty học luật để giúp họ tự biết việc gì có thể làm hoặc không”, ông Ngọc Anh cho biết.
Ví dụ, pháp luật không cấm việc vợ chồng tìm hiểu thông tin về nhau, bố mẹ tìm hiểu thông tin để kiểm tra, quản lý con cái… nên các “thám tử tư” có thể cung cấp dịch vụ thông tin trong lĩnh vực hôn nhân gia đình này. Hay các yêu cầu về thông tin trong lĩnh vực dân sự cũng khá đa dạng, nhưng việc tìm hiểu thông tin phải đúng qui định pháp luật. Còn chuyện người yêu cầu cung cấp thông tin đó xử lý thế nào với thông tin có được lại là chuyện khác, không thuộc trách nhiệm của các thám tử.
Nhu cầu có thật …
Ông Ngọc Anh cho rằng, khá nhiều Công ty thám tử “chui” không có phép, không bị quản lý nhưng vẫn hoạt động và hoạt động kiểu “ngoài luồng” đã ảnh hưởng đến những doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, làm ăn chân chính trong lĩnh vực cung cấp thông tin. Từ cái nhìn của “người trong cuộc” Nhà nước cần tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho dịch vụ thám tử tư hoạt động, bởi đây là nhu cầu có thật và dù có được thừa nhận hay không, dịch vụ này vẫn tồn tại và phát triển.
Thực tế, các thám tử tư đã giúp nhiều doanh nghiệp giải quyết được nhiều vấn đề bức xúc như các Công ty bảo hiểm cần xác minh những trường hợp khai man, dàn dựng tai nạn để nhận tiền bảo hiểm; doanh nghiệp nhờ phát hiện việc lộ bí mật kinh doanh, ăn cắp thông tin trong nội bộ nhân viên của mình; tìm hiểu thông tin về nhân sự trước khi tuyển dụng, bổ nhiệm; tìm hiểu về đối tác trước khi ký kết hợp đồng làm ăn; tìm hiểu thông tin để chống bị làm giả, làm nhái sản phẩm, để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp … Hiện nay, nhiều luật sư cũng nhờ thám tử tư thu thập thêm chúng cứ, tìm kiếm nhân chứng để tăng khả năng thành công trong việc bào chữa, bảo vệ cho thân chủ.
Với các cá nhân, cũng có vô vàn nhu cầu cần xác minh. Thông thường nhất là những vấn đề liên quan đến quan hệ gia đình như tìm hiểu về các mối quan hệ đáng ngờ của vợ chồng, con cái, tìm kiếm người già lạc đường, con trẻ bỏ nhà đi và gần đây rộ lên nhu cầu của giới trẻ muốn tìm hiểu kỹ hơn về “nửa kia” trước khi tiến tới hôn nhân.
Qua các thông tin từ dịch vụ thám tử tư cung cấp, nhiều người đã tìm được người thân, quản lý con cái tốt hơn, thậm chí là giúp nhiều gia đình khỏi nguy cơ tan vỡ vì có người thứ ba. Trong nhiều trường hợp, các thám tử tư cũng là “chuyên gia tâm lý”, tư vấn giúp khách hàng cách giải quyết tình huống hợp tình, hợp lý.
Và khoảng tối…
Có thể nói, bên cạnh những mặt tích cực, đáp ứng nhu cầu xác minh thông tin của người dân, doanh nghiệp, thì dịch vụ thám tử tư cũng còn những “ khoảng tối” không nhỏ. Điều này có nguyên do từ việc dịch vụ này hoạt động “ba không”: không có phép, không được đào tạo, không bị quản lý!
Đáng bàn, dù không thể xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng chính thống, nhưng trên mạng, việc quảng cáo ngành nghề thám tử (với việc sử dụng các phương tiện, thiết bị, nghiệp vụ mà chỉ cơ quan điều tra mới được phép sử dụng) đang được thả nổi, dù việc quảng cáo không nằm trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là trái với quy định của pháp luật.
Còn người dân, doanh nghiệp khi có nhu cầu sử dụng dịch vụ này thì hoàn toàn “mù mờ” thông tin vì không biết đâu là dịch vụ uy tín để tìm đến, càng khó có thể tham khảo giá cả dịch vụ để lựa chọn. Thế nên, một luật sư từng có thời “ kiêm” dịch vụ thám tử cho biết, đây là dịch vụ ngầm “siêu” lợi nhuận vì không phải “đầu tư” nhiều, không tốn thuế, phí!
Thực tế cho thấy, những người nhờ đến văn phòng thám tử tư đều muốn bí mật và đây cũng là cam kết của thám tử với khách hàng. Vừa bí mật, vừa không có hợp đồng, hoặc hợp đồng được ký kết rất chung chung kiểu “cung cấp thông tin về anh A, chị B” mà thiếu phần ràng buộc trách nhiệm cụ thể, nên nếu không may gặp phải thám tử làm ăn kiểu chộp giật thì khách hàng đành chịu thiệt.
Không ít trường hợp thám tử không cung cấp đủ thông tin nhưng người yêu cầu cũng chẳng thể nào kiện tụng, làm ầm ĩ lên cũng khó bởi vốn dĩ thông tin nhờ đến dịch vụ thám tử xác minh thường khá nhạy cảm, những chuyện trong gia đình thì “xấu chàng hổ ai”, còn chuyện làm ăn kinh doanh thì càng không thể lu loa lên cho thiên hạ biết việc mình nhờ theo dõi, tìm hiểu bên nọ, bên kia …
Tệ hơn, nhiều “ thám tử ” còn sử dụng chính thông tin có được để quay lại tống tiền khách hàng, hoặc “ăn hai mang”. Thậm chí vị luật sư – thám tử một thời nọ còn cho biết, thám tử tư và khách hàng có “ân oán” với nhau không phải ít và đây cũng chính là nguyên do khiên ông quyết định “chia tay” nghề thám tử, sau khi không thể xin được giấy phép để hành nghề “công khai ”…